TÌM KIẾM SẢN PHẨM

Tin tức

Xe quá tải vẫn tung hoành cảng, bến thủy

Lượt xem: 1483 | Cập Nhật: 21-01-2025 12:22:50 | Tin tức


Dù đã có quy định cho phép lực lượng cảng vụ đường thủy nội địa (ĐTNĐ) được xử phạt vi phạm tại nơi bốc xếp hàng hóa từ cảng, bến thủy nội địa. Tuy nhiên, thực tế, để ngăn được vi phạm này rất khó và cần sự phối hợp, phân trách nhiệm rõ ràng giữa lực lượng cảng vụ đường thủy và TTGT đường bộ.

Không chất đầy thùng, xe sẽ không vào cảng, bến

Từ 1/7/2016, Nghị định 132 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ, cho phép lực lượng cảng vụ ĐTNĐ được xử phạt hành vi chở quá tải bằng ôtô từ cảng, bến thủy nội địa. Sau hơn 5 tháng Nghị định 132 có hiệu lực, ghi nhận của PV Báo Giao thông trung tuần tháng 12/2016 tại hàng chục cảng, bến thủy ven sông Hồng, sông Công, sông Thao..., tình trạng xe tải chở quá tải xuất phát từ cảng, bến thủy nội địa vẫn thường xuyên diễn ra.

Trên cung đường An Dương Vương, Thụy Phương, Liên Mạc (quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm) thuộc địa phận Hà Nội, hầu hết các xe đầu kéo chở vật liệu xây dựng (cát, sỏi, xi măng...) đều trong tình trạng chở có ngọn vượt thùng. Có thể liệt kê hàng chục xe tại cụm bến Chèm như xe BKS: 29B - 371.28, xe “hổ vồ” 30Z- 9994, 29C- 496.94, 29C- 151.03, 29C- 047.12; tại cụm bến Bạc là các xe BKS 29C- 593.99, 30K- 2470; tại cảng Liên Mạc, xe BKS 29C- 814.09... Các phương tiện chở vật liệu xây dựng có ngọn này, sau khi ra khỏi các cảng, bến thủy vẫn vô tư lưu thông trên các tuyến đường dọc đê, hướng vào đường vành đai Hà Nội như: Xuân Tân, Phạm Hùng, Xuân Phương... mà không thấy bóng dáng lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý về tải trọng. Lái xe BKS 29C- 814.09 Nguyễn Thành Bích cho biết, chỉ biết lái thuê và theo lệ là xe đầy thùng hàng hết cỡ mới ra khỏi bến.

Một xe chở quá tải có thể cơi thùng thêm vài chục cm và để xác định mức độ vi phạm cần sự phối hợp của cảng vụ đường thủy và thanh tra giao thông

Trong khi đó, thị sát phía bên trong các cảng, bến, cụm bến thủy cho thấy, việc bốc hàng hóa lên các xe hoàn toàn do người điều khiển máy xúc chủ động, chất hàng vượt ngọn thùng xe. Phía bên ngoài cảng, bến cũng không hề có bộ phận nào kiểm soát. Chỉ duy nhất tại cụm bến Bạc có người rửa xe trước khi ra đường giao thông và một lán đề tên kiểm soát xe ra vào cụm bến, nhưng luôn trong tình trạng... đóng cửa.

Tương tự nhiều bến thuộc địa phận các quận, huyện khu vực trung tâm, tại các địa bàn như huyện Phúc Thọ, TX Sơn Tây, việc chất hàng hóa quá chiều cao thùng xe (chủ yếu là vật liệu xây dựng) cũng diễn ra thường xuyên. Ngoài việc chở quá tải, bằng mắt thường cũng thấy nhiều phương tiện cơi thêm chiều cao thùng tấm ván khoảng 30-40cm để tăng thêm sức chở. Không chỉ tại bến có phép hoạt động, bến đã quá hạn giấy phép cũng chất hàng đầy ngọn cho các xe vào lấy hàng.

Ông X.H, chủ bến thủy H.N (chuyên cung cấp cát xây dựng, địa bàn xã Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) giãi bày: “Bến nào cũng bán vật liệu theo xe. Nếu không bốc đầy thùng, các xe sẽ không vào, lại bị mất khách. Có khi biết chủ xe cơi thêm thùng vẫn phải chất đầy để giữ khách”.

Đo bằng mắt thường… xử phạt quá tải

Một lãnh đạo Cảng vụ Đường thủy Hà Nội (đề nghị không nêu tên, trực thuộc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II) cho biết, quy định mới giao thẩm quyền cho lực lượng cảng vụ đường thủy được kiểm tra, xử phạt đối với các trường hợp bốc xếp hàng quá tải từ cảng, bến thủy lên phương tiện đường bộ. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là lực lượng cảng vụ mỏng, đơn vị chỉ hơn 10 người, trong khi có vài chục cảng, bến thủy trải dọc sông Hồng, Đuống nên không đủ lực lượng vừa làm công tác cảng vụ đường thủy vừa thường trực để kiểm tra, xử lý vi phạm bốc xếp hàng quá tải đường bộ.

“Đơn vị đã tuyên truyền và tổ chức cho các chủ cảng, bến thủy ký cam kết không xếp hàng lên phương tiện đường bộ quá tải. Đến nay đã phát hiện, xử phạt hành chính 3 bến thủy có hành vi bốc xếp vật liệu hàng vượt quá tải trọng. Phương tiện đường bộ chỉ bốc xếp khoảng hơn chục phút là xong, trong khi lực lượng cảng vụ viên không đủ để thường trực tại các cảng, bến. Ngay cả khi phát hiện vi phạm cũng phải khéo léo vận dụng bằng cách “đo” vi phạm bốc xếp hàng vượt tải bằng mắt thường, thước dây rồi quy ra tấn”, ông này cho biết.

Khó khăn hơn đối với lực lượng cảng vụ đường thủy là việc quản lý tải trọng đường bộ đối với các bến thủy đang “treo” giấy phép (do đã quá hạn giấy phép, nhưng đang “chờ quy hoạch” của địa phương và thực tế vẫn hoạt động). “Hàng chục bến thủy cung cấp vật liệu xây dựng do vướng mắc về đất đai nên vài năm qua vẫn chờ cấp phép. Nhiều đoàn thanh, kiểm tra đã lập biên bản đình chỉ, nhưng thực tế vẫn hoạt động. Nếu có tình trạng xe chở quá tải, cảng vụ đường thủy cũng không biết xử lý thế nào”, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ khu vực Sơn Tây Lê Quang Trung cho biết.

Đề cập giải pháp kiểm soát tải trọng, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Thái Nguyên Lê Mạnh Cường cho biết, 5 bến thủy nội địa tại khu vực sông Công vừa bị xử phạt quá tải hàng hóa, nhưng đều do TTGT đường bộ phạt. “Khó cho lực lượng cảng vụ đường thủy là thiếu dụng cụ để giám sát, xác định mức độ vi phạm bốc hàng quá tải, nên cũng chỉ nhìn bằng mắt thường và thông báo cho TTGT lập biên bản xử lý. Cảng vụ đường thủy cần sự phối hợp của thanh tra đường bộ mới ngăn chặn được vi phạm bốc xếp, chở quá tải từ cảng, bến thủy”, ông Cường nói.

Theo: baogiaothong



hỗ trợ kỷ nguyên
Hotline
0836.918.688

 

TƯ VẤN BÁN HÀNG

 

Hải Phòng   Mr Thái : 0914.885.555   

Hà Nội           Ms.Hà : 0969.441.441  

Hồ Chí Minh  Mr.Bắc : 0906.032.986


 

 

 


TÌM KIẾM ẨN TÌM KIẾM Đầu trang